Tin tức

Chỉ số đường huyết và những điều nên biết

1.Đường huyết là gì?

Đường huyết hay đường máu còn có một tên gọi khác là glucose máu. Đường huyết là một loại đường mà cơ thể của bạn sử dụng để tạo ra năng lượng. Mọi tế bào trong cơ thể bạn cần phải có năng lượng để duy trì hoạt động hàng ngày. Ví dụ, năng lượng rất cần thiết để tim của bạn duy trì nhịp đập, cho phổi của bạn thở, cho não của bạn suy nghĩ. Cơ thể của bạn được tạo thành bởi hàng triệu tế bào và từng tế bào đều phải sử dụng năng lượng để duy trì hoạt động. Chính vì vậy, cơ thể bạn luôn luôn cần một lượng đường trong mọi thời điểm trong ngày thậm chí ngay cả khi bạn ngủ

 

 glucose cung cấp năng lượng cho tế bào 

2. Cơ thể bạn nhận đường máu hay glucose máu như thế nào?

Khi bạn ăn các loại thức ăn có chứa carbohydrate ( ngũ cốc, thức ăn và đồ uống có chứa đường), glucose sẽ được thu nhận vào cơ thể. Khi bạn ăn, thức ăn sẽ được nghiền nát và được các men tiêu hoá cắt nhỏ thành các vi chất bao gồm glucose. Glucose sẽ được hấp thu từ dạ dày và ruột non vào trong hệ tuần hoàn và được vận chuyển đi khắp cơ thể cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thời gian cho quá trình này chỉ cần một vài phút sau khi bắt đầu ăn.

 

Glucose được hấp thu qua đường tiêu hoá

3. Bạn cần theo dõi những chỉ số đường máu gì khi nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường?

Mặc dù glucose rất quan trọng cho cơ thể nhưng khi đường máu quá cao bạn sẽ mắc căn bệnh đái tháo đường hay bệnh tiểu đường. Căn bệnh này đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Biến chứng của bệnh gây ra nhiều tác hại nguy hiểm như suy thận, mù loà, cắt cụt chân, tử vong…

Glucose máu là chỉ số quan trọng hàng đầu bạn cần theo dõi nếu muốn mình có mắc bệnh đái tháo đường hoặc có đang điều trị bệnh tốt hay không. Nếu bạn không mắc bệnh đái tháo đường, chỉ số glucose máu trong cơ thể bạn thường xuyên nằm trong ngưỡng từ 3.9 – 5.6 mmol/l. Khi bạn mắc bệnh đái tháo đường, chỉ số này sẽ bị tăng cao. Theo khuyến cáo của liên đoàn đái tháo đường thế giới, khi lượng glucose trong máu của bạn thời điểm nhịn đói ( thời điểm lấy máu xét nghiệm sau 8- 14 giờ nhịn ăn)  7 mmol/l, bạn sẽ được chẩn đoán bị mắc bệnh đái tháo đường.

Một xét nghiệm khác thường được các bác sỹ chỉ định để chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường là chỉ số HbA1c. Hemoglobin A1c hay HbA1c là một dạng hemoglobin trong hồng cầu được gắn với Glucose. Chỉ số này thường tăng cao khi lượng glucose trong máu của bạn tăng cao. Do đó, chỉ số này giúp bạn chẩn đoán được bệnh đái tháo đường và giúp bạn biết được bệnh của mình có điều trị tốt hay không. 

 tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường (ĐTĐ : đái tháo đường, OGTT: nghiệm pháp dung nạp glucose)

4. Vì sao cần kiểm soát tốt đường huyết?

Tăng đường huyết kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng cấp tính và mạn tính của bệnh đái tháo đường.

Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan ceton do lượng đường trong máu tăng quá cao. Biến chứng này làm cho cơ thể bạn bị kiệt nước, rối loạn điện giải như tăng natri máu, tăng kali máu, suy thận cấp…Nếu biến chứng cấp tính không được phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Nếu lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt trong thời gian dài, biến chứng mạn tính của bệnh có thể xuất hiện. Hậu quả của biến chứng mạn tính ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của bạn. Biến chứng mắt như tổn thương võng mạc mắt, đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân dẫn tới mù loà. Bệnh thận do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Biến chứng thần kinh ngoại vi do đái tháo đường là nguyên nhân gây ra loét bàn chân, nhiễm trùng bàn chân và cũng là nguyên nhân dẫn tới cắt cụt chi. 


Top